1. Lắp đặt hộp mực sai cách
Mọi người dùng đều có thể tự tháo lắp hộp mực ngay tại nhà nhưng không phải ai cũng làm đúng nếu không tìm hiểu kỹ. Có thể sau khi đổ mực máy in hoặc thay thế hộp mực, bạn không thực hiện đúng kỹ thuật hoặc lắp vội nên hộp mực bị lệch. Hộp mực không được lắp đặt đúng cách có thể cọ xát vào các thành phần bên trong của máy in và gây ra chuyển động không đều bên trong máy in, dẫn đến tiếng kêu cót két khi in.
Để sửa sửa chữa máy in trong trường hợp này, hãy tháo hộp mực ra và lắp vào đúng vị trí theo hướng dẫn sử dụng, đảm bảo chúng khớp vào các rãnh hay lò xo bên trong máy in. Bạn cũng nên kiểm tra tình trạng của hộp mực, kể cả hộp mực mới bởi có khả năng hộp mực bị hỏng nên không thể khớp vào đúng vị trí. Nếu hộp mực bị hỏng, bạn sẽ cần thay thế hộp mực mới.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý hạn chế mua hộp mực từ bên thứ ba, tức hộp mức được sản xuất bởi một công ty khác, không phải do chính nhà sản xuất máy in cung cấp. Không phải hộp mực bên thứ ba nào cũng kém chất lượng nhưng là một người tiêu dùng thông thường thì bạn khó có thể kiểm chứng được chất lượng của hộp mực mà chỉ biết được khi đã sử dụng.
Hộp mực chất lượng kém có thể khiến máy in phát ra tiếng ồn vì thiết kế của chúng không thể hoàn toàn tương thích với máy in. Kể cả khi hộp mực đó có thể sử dụng trong máy in của bạn thì chất lượng in ấn cũng không được tốt như hộp mực do chính nhà sản xuất cung cấp.
2. Kẹt giấy
Khi xảy ra tình trạng kẹt giấy, các bộ phận bên trong máy in có thể gặp khó khăn khi đưa giấy vào máy, khiến máy in phát ra tiếng kêu khó chịu. Đây là một trong những sự cố thường gặp nhất khi sử dụng máy in. Cách khắc phục cũng tương đối đơn giản và bạn có thể sửa máy in tại nhà mà không gặp khó khăn:
- Tắt nguồn và rút phích cắm máy in trước khi tiến hành bất kỳ bước sửa chữa nào. Đối với máy in laser, hãy để máy nguội ít nhất 30 phút trước khi tiếp cận khay giấy.
- Bước tiếp theo là loại bỏ tất cả giấy bị kẹt bên trong máy. Bạn hãy thử ấn nhẹ phần trên cùng của tờ giấy xuống và di chuyển nó xung quanh để xác định vị trí bị kẹt. Lưu ý là chỉ nên kéo lần lượt từng tờ giấy thay vì kéo toàn bộ giấy một lúc.
- Có nhiều nguyên nhân có thể khiến giấy bị kẹt như khay giấy quá đầy, bộ phận kéo giấy bị hư hỏng, sai loại giấy hoặc do người dùng để giấy lộn xộn trong khay. Sau khi kéo giấy ra ngoài, hãy nhìn bên trong máy in để xem có bộ phận nào bị hư hỏng hay không. Nếu có, hãy gọi chuyên gia.
- Sau khi đã đảm bảo không còn vấn đề gì, nạp lại giấy vào trong khay, đảm bảo đặt giấy đúng cách và sử dụng đúng loại giấy với lượng giấy vừa đủ.
- Bật lại máy in và in trang căn chỉnh để xem thiết bị đã hoạt động trơn tru hay chưa.
3. Con lăn máy in bị mòn
Con lăn máy in là những bánh xe cao su nhỏ bên trong máy in, có chức năng di chuyển giấy qua máy in. Con lăn nâng giấy ra khỏi khay giấy được gọi là con lăn nạp giấy. Con lăn đầu ra cung cấp bản in cuối cùng. Nếu con lăn của bạn bị dính mực, bị bẩn, khô hoặc hư hỏng, máy in có thể sẽ có tiếng cót két và bản in sẽ bị sọc hoặc loang lổ mực. Nếu bạn chỉ nghe thấy tiếng kêu cót két khi máy in nạp giấy thì rất có thể con lăn chính là nguồn gốc của vấn đề.
Bạn sẽ cần kiểm tra con lăn để chắc chắn nhất. Khi kiểm tra, nếu thấy con lăn bị hỏng, bạn sẽ phải thay thế chúng. Bạn có thể tìm mua linh kiện thay thế tại các cơ sở chuyên sửa máy in hoặc đến trung tâm ủy quyền của nhà sản xuất máy in để mua linh kiện chính hãng. Kể cả khi còn lăn không bị hỏng mà chỉ bị bẩn thì bạn cũng cần nhanh chóng vệ sinh bộ phận này.
- Tắt và rút phích cắm máy in.
- Mở khay giấy và xác định vị trí các con lăn (thường là màu đen hoặc xám và làm bằng cao su). Có thể tra cứu hình ảnh con lăn trên mạng để xác định chính xác nhất
- Làm ẩm một miếng vải không xơ bằng nước hoặc hỗn hợp nước và cồn isopropyl theo tỷ lệ 1:1. Tránh sử dụng hóa chất tẩy rửa mạnh vì chúng có thể làm hỏng các con lăn.
- Lau nhẹ từng con lăn để loại bỏ bụi và cặn giấy.
4. Linh kiện bị khô hoặc hư hỏng
Máy in có một số bộ phận kim loại và nhựa bên trong làm nhiệm vụ chuyển động trong quá trình in như bánh răng, thanh ray… Các bộ phận này được bôi trơn trong quá trình sản xuất để đảm bảo hoạt động mượt mà nhất nhưng chất bôi trơn có thể bị mất theo thời gian, đặc biệt là ở các máy in cũ hoặc những máy được sử dụng thường xuyên.
- Tắt và rút phích cắm máy in.
- Mở nắp máy in để xác định vị trí các thanh ray kim loại hoặc nhựa mà cụm đầu in di chuyển dọc theo.
- Sử dụng một miếng vải mềm để loại bỏ mọi bụi bẩn hoặc cặn bẩn có thể nhìn thấy được khỏi các bộ phận này.
- Thoa một lượng nhỏ chất bôi trơn gốc silicon (có bán tại các cửa hàng kim khí) vào tăm bông, sau đó thoa nhẹ lên các thanh kim loại hoặc thanh ray. Tránh sử dụng chất bôi trơn gốc dầu vì chúng có thể thu hút bụi. Tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến của chuyên gia trước khi mua.
So với vệ sinh hoặc thay thế con lăn thì bôi trơn linh kiện có thể sẽ khó khăn hơn, đặc biệt với người dùng không có kinh nghiệm sửa máy in tại nhà. Chúng tôi khuyên bạn nên liên hệ tới chuyên gia nếu cảm thấy vướng mắc ở bất kỳ bước nào hoặc phát hiện linh kiện bị hư hỏng. Không nên tự ý sửa máy in tại nhà bởi bạn có thể khiến các bộ phận của máy in hư hỏng thêm.
Ngoài ra, bạn cũng nên đặt lịch hẹn bảo dưỡng với chuyên gia để đảm bảo máy in luôn ở trạng thái tốt nhất, không có linh kiện nào bị hư hỏng, gây cản trở quá trình in ấn.
5. Các yếu tố bên ngoài
Đôi khi độ ẩm quá thấp có thể làm khô các bộ phận cao su, trong khi độ ẩm cao có thể khiến các bộ phận bị phồng lên, làm tăng ma sát. Nhiệt độ môi trường cũng có thể ảnh hưởng đến cách các bộ phận bằng nhựa hoạt động. Bạn có thể dễ dàng chẩn đoán sự cố này nếu tiếng kêu cót két không liên tục và thường xuyên xảy ra khi nhiệt độ bên ngoài thất thường như vào mùa hè hoặc mùa nồm ở miền Bắc.
Để khắc phục vấn đề này, hãy tham khảo cách sau:
- Thực hiện các bước bảo quản máy in theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Đặt máy in trong phòng có nhiệt độ ổn định, không quá cao hay quá thấp và độ ẩm vừa phải (từ 40-60%).
- Tránh để máy in gần lỗ thông hơi, cửa sổ hoặc máy tạo độ ẩm vì những nơi này có thể gây ra sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm.