Các loại mực in giả, không rõ nguồn gốc, sử dụng chất đóng rắn là kim loại mạnh thì chắc chắn không tốt cho người sử dụng và những người phải ở trong phòng kín cạnh máy in.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Australia, ngồi làm việc cạnh máy in cũng độc hại như gián tiếp hít hơi thuốc lá. Làm thế nào để hóa giải?
Chứa chất sinh ung thư
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong chương trình Sức khỏe & Chất lượng Không khí thuộc Đại học Công nghệ Queensland, Australia, đăng trên Tạp chí Khoa học Công nghệ Môi trường cho thấy, một số máy in thải ra một lượng nhỏ mực in dưới dạng phân tử ultrafine siêu nhỏ (UFPs). TS Linda Morawska, người đứng đầu nghiên cứu cho rằng, các phân tử này có thể tập trung ở phổi và gây ra các vấn đề về hô hấp, tim mạch, ung thư. Theo kết quả nghiên cứu, các phân tử lơ lửng trong văn phòng có máy in vào ngày làm việc cao gấp 500% lần so với ngày nghỉ, khi các máy in đã tắt hẳn. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, lượng phát thải vẫn cao ngay cả khi máy in ở chế độ "standby" (tạm nghỉ). Các chuyên gia lo ngại UFPs có chứa thành phần chất sinh ung thư và so sánh những ảnh hưởng sức khỏe này giống như tác hại của thuốc lá. UFPs là các phân tử siêu nhỏ, có kích thước dưới 0,1 micromet - tương đương 1/1.000 kích thước của một hạt bụi thông thường.
Cơ quan Bảo vệ môi trường EPA Hoa Kỳ cùng nhiều tổ chức khác đã có những nghiên cứu về UFPs và các nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Kích thước siêu nhỏ của UFPs cho phép chúng tập trung ở các phế nang trong phổi người, có khả năng gây hại tùy theo thành phần hóa học của chúng.
Trong khi đó, mực in laser được làm từ dạng bột khô, siêu mịn bám vào trống mực của máy in. Mực in laser có chứa hợp chất carbon đen, mà cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC định danh là chất sinh ung thư nhóm 2B. Theo đó, carbon đen có thể gây ung thư ở người. Ngay khi nghiên cứu này được đăng tải, các hãng máy in đã lên tiếng cho rằng "đúng là các hạt phân tử siêu nhỏ, nhỏ và thô phát thải ra từ các hệ thống máy in nhưng đều ở dưới mức giới hạn phơi nhiễm nghề nghiệp được ghi nhận". PGS.TS Ngô Quốc Quyền, nguyên cán bộ Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết: Trong mực in có dung môi hòa tan, chất này đúng là không có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi sản xuất mực in nhà sản xuất đã phải tính toán làm sao để lượng dung môi hòa tan phát tán ra môi trường không vượt tiêu chuẩn cho phép để không gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nếu có điều kiện, máy photo, máy in nên ở phòng hoặc khu riêng biệt.
Đối phó với mùi và hơi nóng
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, bản thân ông cũng sử dụng một chiếc máy in đặt ngay trong phòng làm việc tại nhà. Vị chuyên gia này cho rằng, những chiếc máy in không phải là đồ vật gây nguy hiểm. Thực tế là máy in sử dụng mực in có các dung môi hòa tan, tuy nhiên, chúng không thể phát tán một cách dễ dàng ra môi trường. Mực in chỉ hoạt động khi chúng ta khởi động máy và chúng sản sinh ra một lượng ozone khi máy hoạt động, thế nhưng hàm lượng này là không đáng kể. Đối với các nhà in, lượng in rất lớn thì lượng phát thải mới đáng báo động. Tuy nhiên, thông thường tại đây người ta bao giờ cũng trang bị những hệ thống kiểm soát. Còn đối với cơ quan, nhà riêng chỉ sử dụng một hoặc vài máy in của những hãng sản xuất được đảm bảo thì đừng quá lo lắng với lượng in không phải lớn.
Mặc dù khẳng định mực in là các phân tử polyme, thuộc hóa chất an toàn, đặc biệt là sản phẩm của các hãng uy tín, nhưng các chuyên gia cũng khuyến cáo, nếu dung môi pha ở mức độ đậm đặc, lại sử dụng máy trong phòng kín thì cũng có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe. Tuy chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng nếu mực in là sản phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng chất đóng rắn là kim loại mạnh thì chắc chắn không tốt cho người sử dụng và những người phải ở trong phòng kín cạnh máy in. Cũng theo lời khuyên của chuyên gia, khi máy in hoạt động sẽ phát nhiệt, phả ra hơi nóng làm khuếch tán mùi mực in sẽ gây cảm giác khó chịu cho người ngồi gần.
Vì vậy, phòng làm việc phải đảm bảo không gian có độ thông thoáng, lưu thông không khí... Các máy in cũng nên đặt không quá gần người lao động. Nếu có điều kiện, máy photo, máy in nên ở phòng hoặc khu riêng biệt. Người sử dụng máy in hoặc làm việc trong phòng có nhiều thiết bị máy móc như máy tính, máy in, máy photo... nên có thời gian nghỉ ngắn, khoảng vài phút đứng dậy, ra ngoài hít thở không khí sau khoảng 2 giờ làm việc liên tục.
Theo kienthuc