Theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng mới được công bố, các vướng mắc cơ bản của ngành game online tại Việt Nam đã được giải quyết đáng kể. Đây được xem là bước tiến lớn giúp game online phát triển mạnh mẽ trở lại sau 3 năm tụt lùi.
Nghị định 72 phân loại game online thành 4 loại G1, G2, G3, G4 theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ.
- G1 là trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.
- G2 là trò chơi chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ.
- G3 là trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không tương tác với máy chủ.
- G4 là trò chơi được tải về qua mạng và người chơi không có sự tương tác với nhau lẫn với máy chủ.
Game online đã có cửa "sống" với nghị định mới
Qua đó, việc cấp phép phát hành game cho các doanh nghiệp cũng sẽ dựa vào 4 loại game online trên. Các trò chơi G1 cần có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản do Bộ TT&TT cấp. Các trò chơi G2, G3, G4 cần có Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ và thông báo cung cấp dịch vụ với từng trò chơi điện tử.
Ngoài ra các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ game online cho người sử dụng tại Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Và chỉ những doanh nghiệp dạng này mới được cấp phép game online hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp cung cấp game online cần có ít nhất 1 máy chủ đặt tại Việt Nam để đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ và cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Về các điểm cung cấp dịch vụ game online công cộng cần có diện tích tối thiểu từ 40-50m2 tùy thuộc vào các khu đô thị, ngoài ra phải đảm bảo đủ ánh sáng cũng như điều kiện vệ sinh công cộng.
Mạng xã hội: Thắt chặt khâu quản lý
Trái với lĩnh vực game online, Nghị định 72 đã có những quy định chặt chẽ hơn dành cho mạng xã hội. Tiêu biểu là các mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam, bao gồm của những odnah nghiệp nước ngoài phải có ít nhất 1 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam để đáp ứng việc thanh, kiểm tra của cơ quan nhà nước.
Các doanh nghiệp mạng xã hội như Facebook sẽ bị quản chặt hơn.
Ngoài ra, các mạng xã hội phải có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng, bảo đảm quyền quyết định của họ khi cho phép thông tin cá nhân của mình được cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân khác.
các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam cần tuân thủ các quy định cảu pháp luật liên quan của Việt Nam. Các quy định cụ thể về phạm vi này sẽ do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
Nghị định mới sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2013.
Theo Người đưa tin